Dao phúc sen có tốt, sự thật là
NGOC MA
Thứ Tư,
22/03/2023
7 phút đọc
Nội dung bài viết
Dao phúc sen tự bao đời nay, nghề rèn nông cụ với các sản phẩm: dao, kéo, cuốc, liềm… đã gắn chặt với cuộc sống của bà con. Nghề rèn nông cụ ở Phúc Sen đến nay đã trở thành "thương hiệu" nổi tiếng trong và ngoài nước. Không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội mà làng rèn Phúc Sen còn mang những nét văn hóa đặc sắc riêng của mình.
Ai đã từng một lần đi trên những cung đường "vắt núi" dẫn ngược lên các huyện vùng cao Phục Hòa, Trùng Khánh… tỉnh Cao Bằng, chắc chắn hình ảnh về làng nghề rèn nông cụ: dao, kéo, cuốc… được bày bán nhộn nhịp ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên) sẽ luôn dội về trong suy nghĩ của mình. Đến với làng nghề rèn Phúc Sen, điều dễ thấy đó chính là các sản phẩm nông cụ được bà con làm ra một cách thủ công không chỉ lưu giữ nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mang giá trị vật chất sâu sắc.
Những ngày cuối năm, làng nghề rèn Phúc Sen lại bận rộn hơn bao giờ hết. Không chỉ người dân ở Cao Bằng mà tại nhiều địa phương khác nhau, từ Bắc vào Nam như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh… nhiều người cũng đã tranh thủ lên đây "sắm" nông cụ. Hôm nay, mọi người trong gia đình anh Nông Văn Tào, 47 tuổi, ở thôn Phia Trang (Phúc Sen) trở dậy từ sớm để rèn cho đủ số dao, kéo mà mối hàng ở dưới Hà Nội đã đặt từ tuần trước. Lò than thoáng chốc đỏ rực. Tiếng quai búa, tiếng đe, tiếng hò "hey ba, hey ba…" cứ thế vang dội. Thứ âm thanh ấy cứ thế xuất hiện mỗi lúc một dày hơn trên các nóc nhà nơi các bản làng Phúc Sen. Cả một không gian rộng khắp nơi núi rừng Quảng Uyên vốn tĩnh mịnh bỗng trở nên náo nhiệt, tựa có bản nhạc không lời cất lên rộn rã.
Anh Tào bảo, thường thì, vào các buổi sáng, khi sương sớm còn chưa tan hết, nhà nhà ở Phúc Sen đã trở dậy để nhóm than. Cánh đàn ông - những người thợ chính sẽ bắt tay ngay vào công việc hằng ngày, đó là rèn dao, rèn kéo, liềm - cuốc. Còn người phụ nữ thì chuẩn bị cho bữa ăn sáng ngày mới. Đó là ngày thường, còn vào dịp cuối năm, khi nhu cầu "sắm" nông cụ của người dân tăng, bà con Phúc Sen dù là đàn ông hay phụ nữ, tất cả đều cùng nhau vào… lò, rèn nông cụ. Anh Tào cho hay, anh là đời thứ 6 trong dòng họ Nông Văn nhà anh làm nghề rèn. Và, đến nay, anh đã có hơn 30 năm trong nghề rèn nông cụ. Để có được một sản phẩm nông cụ là dao, kéo, người thợ phải thao tác 12 công đoạn gồm: chạm nhíp, đập sơ, đập tông, sửa sang chỉnh thẳng, mài - bào, tôi... với khoảng thời gian khoảng 3-4 tiếng đồng hồ.
Một sản phẩm của HTX DAO PHÚC SEN ngày nay, tỉ mỉ, hiện đại đến từng chi tiết nhưng vẫn giữ được chất dao vốn nổi tiếng của nó , Dao phúc sen thật, đúng nghĩa dao phúc sen nổi tiếng
Tại lò nhà anh Nông Minh Chấn, có 3-4 "tay búa" đang tất bật công việc bên lò rèn. Anh Nông Minh Chấn, chủ lò rèn Nông Chấn cho hay, mỗi người thợ lành nghề bình quân một ngày làm được từ 4-5 sản phẩm. Trong các sản phẩm nông cụ được cơ sở rèn, dao - kéo là những mặt hàng bán chạy hơn cả. Các công đoạn từ nhóm than, tôi thép, đập thép, mài thép… đều phải được tiến hành một cách cầu kỳ đòi hỏi sự chau chuốt, cẩn thận. Bởi, chỉ cần xử lý than đá, than củi nếu không tốt, không đủ nhiệt hoặc nhiệt độ quá cao sẽ khiến các sản phẩm thép khi đưa vào tôi bị giòn, dễ vỡ và gẫy khi có tác động ngoại lực. "Chính vì các công đoạn làm nông cụ ở Phúc Sen cầu kỳ, nên nghề rèn như người thầy dạy cho những người làm nghề như chúng tôi đức tính chịu khó, nhẫn nại trước mọi công việc vậy…", anh Chấn tiếp lời.
Đến Phúc Sen, bước chân vào làng, đâu đâu cũng thấy các bếp than rực lửa. Những đốm hoa lửa đua nhau bắn tóe lên sau những nhát búa, nhát đe. Hầu hết, bà con ở Phúc Sen, nhà nào, nhà nấy cũng đều có lò rèn, có nghề rèn nông cụ riêng của mình. Theo người dân Phúc Sen thì nghề rèn nông cụ ở nơi đây đã có thâm niên cả ngàn năm rồi. Không biết vì làng nghề có từ lâu đời hay vì kỹ năng rèn, tôi sắt thép nơi đây có cách riêng mà các sản phẩm nông cụ được làm ra, đi vào sản xuất đều được bà con xa gần ưa thích.
Bác Nông Văn Luyến, một trong những người dân có hơn 60 năm "tay búa" bảo, các sản phẩm nghề rèn của làng mang những nét riêng rất đặc biệt. Các sản phẩm được tạo ra từ cách rèn thủ công, bằng mắt, bằng những đôi bàn tay vốn kinh qua cả chục năm trong nghề chứ không phải được tôi, được luyện bằng những lò luyện kim cao tần với công nghệ sản xuất tiên tiến. Với đặc điểm này, người thợ rèn có thể xác định được "độ tới" của từng sản phẩm trong lò than để kịp đem ra đập, ra giũa một cách kịp thời, khiến độ cứng cũng như độ dẻo của các sản phẩm như: dao, rìu, kéo… đạt ngưỡng phù hợp. Khi dùng các sản phẩm nông cụ ở đây, nhất là dao - kéo, càng dùng, nó càng sắc bén. Chẳng thế mà nhiều người dân ở các tỉnh, thành thời gian qua vẫn truyền tai nhau rằng, đến Cao Bằng, không ghé Phúc Sen mua dao, mua kéo… thì hơi phí!
Tìm hiểu ở đây, chúng tôi thấy rằng, bà con Phúc Sen theo nghề rèn vừa là để kiếm sống, phát triển kinh tế cũng vừa là để giữ nét văn hóa riêng của địa phương vốn đã được truyền lại từ ngàn đời nay. Để khẳng định thương hiệu nghề rèn của mình, sau khi các sản phẩm nông cụ được hoàn tất các công đoạn, chủ cơ sở rèn đều cho đóng dấu nổi tên cơ sở gia đình mình. Ví như, khi cầm trên tay con dao chặt, có ký hiệu "N.Tào" được dập trên nền con dao, ấy chính là tên viết tắt của cơ sở sản xuất dao - kéo nhà anh Nông Văn Tào vậy.
Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Viết Huấn, Trưởng Công an huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) cho biết, xã Phúc Sen có 10 thôn xóm với trên 400 hộ dân và hơn 2.000 nhân khẩu. Làng nghề rèn, sản xuất nông cụ đã có từ rất lâu rồi. Đến nay số hộ làm nghề rèn nông cụ của Phúc Sen là gần 160 hộ dân. Số hộ này thu hút một lượng lớn lao động trong và ngoài địa bàn. Thu nhập của mỗi lao động cũng đạt 4-5 triệu đồng/tháng. Nghề rèn phát triển đã giúp đời sống bà con thay đổi căn bản. Và hơn hết, tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự, tình trạng lao động di cư, xuất cảnh trái phép theo đó được đẩy lùi. Đáng chú ý, hiện Phúc Sen là một trong những xã "trắng" về tệ nạn ma túy.
Đến Phúc Sen, có trực tiếp nhìn ngắm và nghe tâm sự của những người làm nghề rèn, chúng tôi thêm thấy nhiều điều thú vị về con người, về nghề rèn nông cụ ở nơi đây. Trải qua bao năm tháng thăng trầm, làng nghề rèn nông cụ "ngàn tuổi" Phúc Sen vẫn giữ được những nét riêng độc đáo, dấu ấn văn hóa truyền thống của mình…